1. Tài sản công được Nhà nước
giao, đầu tư xây dựng, mua sắm được sử dụng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do
Nhà nước giao gồm: (i) tài sản phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng,
nhiệm vụ của đơn vị; (ii) và tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ cho việc
thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Tại
Điều 41b Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 (được bổ sung tại khoản 36
Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024) của Chính phủ đã quy định cụ
thể việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện chức
năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao (trong lĩnh vực y tế; lĩnh vực giáo dục - đào
tạo, dạy nghề; lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; lĩnh vực thông tin,
truyền thông và báo chí; lĩnh vực khoa học và công nghệ; lĩnh vực kinh tế và sự
nghiệp khác); đồng thời quy định ngoài các tài sản quy định nêu trên thì căn cứ
yêu cầu quản lý nhà nước, Bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực quy định
các tài sản được sử dụng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao của
đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ và việc xác
định đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực nào được thực hiện theo quy định
của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Về khai thác tài sản công tại
đơn vị sự nghiệp công lập
- Theo
quy định tại Điều 41a, Điều 41c Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản
35, khoản 37 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP) của Chính phủ thì đơn vị sự
nghiệp công lập được khai thác tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ cho
việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị quy định tại Điều 41b Nghị định
số 151/2017/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 36 Điều 1 Nghị định số
114/2024/NĐ-CP). Trong trường hợp này, đơn vị có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị,
báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định khai thác tài sản làm cơ sở
thực hiện; không phải lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh,
cho thuê, liên doanh, liên kết; đơn vị có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ
tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật có liên quan (như: Tiền thuê đất trong trường hợp đơn
vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng thuê đất theo quy định của pháp luật về
đất đai, các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của
pháp luật...); đơn vị không phải thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước một
khoản tiền tối thiểu bằng 2% doanh thu đơn vị sự nghiệp công lập thu được từ
hoạt động khai thác tài sản như quy định đối với trường hợp sử dụng tài sản
công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết quy định tại điểm
b khoản 5 Điều 43 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản
39 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP).
- Theo quy
định tại khoản 1 Điều 61 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, khoản 2 Điều 11
Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 của Bộ Tài chính thì các loại tài sản
công phải trích khấu hao gồm: (1) Tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi
đầu tư; (2) Tài sản cố định tại
đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng phải tính đủ khấu
hao tài sản cố định vào giá dịch vụ theo quy định của pháp luật; (3) Tài sản cố
định tại đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc phạm vi quy định tại điểm (1),
điểm (2) nêu trên được sử dụng vào hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh,
liên kết mà không hình thành pháp nhân mới theo quy định của pháp luật. Đồng
thời, tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 23/2023/TT-BTC quy định các trường hợp không
phải tính hao mòn, khấu hao. Như vậy, đối với tài sản
cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc phạm vi quy định tại khoản
2, khoản 3 Điều 11 Thông tư số 23/2023/TT-BTC thì
phải tính hao mòn (không phải trích khấu hao).
3. Về sử dụng tài sản công tại đơn
vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 41a Nghị định số
151/2017/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 35 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP)
của Chính phủ:
+
Trường hợp tài sản công phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm
vụ của đơn vị mà đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu sử dụng để cung cấp dịch
vụ cho các đối tượng khác không phải là đối tượng được cung cấp dịch vụ sự
nghiệp công của đơn vị và thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 56,
khoản 1 Điều 57, khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì
được xác định là sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên
doanh, liên kết và phải thực hiện theo quy định tại các Điều 55, 56, 57 và
58 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các Điều 42, 43, 44, 45, 46
và 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 35 Điều 1
Nghị định số 114/2024/NĐ-CP).
+ Trường
hợp đơn vị sử dụng tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc
thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để cung cấp dịch vụ cho cả đối tượng
được cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của đơn vị và các đối tượng khác không
phải là đối tượng được cung cấp dịch vụ công của đơn vị hoặc chỉ để cung cấp
dịch vụ cho đối tượng không phải là đối tượng được cung cấp dịch vụ công của
đơn vị thì được xác định là sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho
thuê, liên doanh, liên kết và phải thực hiện theo quy định tại các Điều
55, 56, 57 và 58 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các Điều 42,
43, 44, 45, 46 và 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại
khoản 35 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP).
- Theo
quy định tại khoản 5 Điều 43 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung
tại khoản 39 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP), đơn vị sự nghiệp công lập sử
dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thì
phải tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí,
lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật,
gồm:
+ Chi phí
khấu hao tài sản cố định đối với các tài sản công trực tiếp sử dụng vào mục
đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của Bộ Tài chính
về chế độ hạch toán, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ
chức, đơn vị.
+ Nghĩa
vụ nộp ngân sách nhà nước một khoản tiền tối thiểu bằng 2% doanh thu đơn vị sự
nghiệp công lập thu được từ hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên
kết (ngoài các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định tại
điểm c khoản này); mức nộp cụ thể được xác định theo Đề án sử dụng tài sản công
vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được cơ quan, người có
thẩm quyền phê duyệt. Riêng các đối tượng sau thì không phải nộp khoản tiền quy
định tại điểm này: (1) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, y tế,
giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường; (2)
Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp
luật về đất đai.
+ Các
khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập không phải nộp tiền thuê đất khi sử dụng
tài sản gắn liền với đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên
kết; trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng thuê đất theo quy
định của pháp luật về đất đai và thực hiện nộp tiền thuê đất cho Nhà nước.
Trên đây Bộ Tài chính trả lời bạn đọc về chính sách, pháp luật; đề nghị
bạn đọc căn cứ thực tế quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị để thực hiện.