Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Tôi là chuyên viên của đơn vị sự nghiệp công lập về cấp nước sinh hoạt nông thôn. Căn cứ Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc Hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn”. Tại điểm c khoản 1 điều 6 của Thông tư 75, khối lượng nước hao hụt được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) nhân với sản lượng nước sản xuất. Tỷ lệ nước hao hụt phù hợp với điều kiện thực tế về thực trạng kỹ thuật, trình độ quản lý với tỷ lệ tối đa không vượt quá qui định sau: + Đối với toàn bộ mạng cấp nước để tiêu thụ đã đưa vào sử dụng dưới 10 năm: 23%; + Đối với toàn bộ mạng cấp nước để tiêu thụ đã đưa vào sử dụng từ 10 năm trở lên: 32%; + Trường hợp mạng cấp nước để tiêu thụ được đưa vào sử dụng có thời gian xen lẫn (gồm cả mạng cấp nước dưới 10 năm và mạng cấp nước từ 10 năm trở lên): 27%. Như vậy để xác định tỷ lệ hao hụt chính xác cho các công trình cấp nước thì cần dựa vào thời gian bàn giao đưa vào sử dụng của các công trình hay dựa vào giấy phép khai thác? Trường hợp các công trình đã đưa vào sử dụng một thời gian sau đó mới có giấy phép khai thác thì dựa vào cơ sở nào để tính tỷ lệ hao hụt? Tôi kính mong Bộ Tài chính sớm giải đáp thắc mắc để đơn vị có cơ sở tháo gỡ khó khăn hiện nay. Trân trọng cám ơn!
24/09/2024
Trả lời:

Trả lời nội dung thông tin gửi Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (Mã câu hỏi số 220824-18) về việc đề nghị giải đáp thắc mắc về tỷ lệ hao hụt của các công trình cấp nước, Bộ Tài chính có ý kiến như sau: 1. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn thì: “- KLhh: là khối lượng nước thất thoát, thất thu - gọi tắt là khối lượng nước hao hụt (kể cả hao hụt tự nhiên và hao hụt kỹ thuật), giữa sản lượng nước sản xuất và sản lượng nước thương phẩm (đơn vị tính m3); khối lượng nước hao hụt được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) nhân với sản lượng nước sản xuất. Tỷ lệ nước hao hụt cụ thể do Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với điều kiện thực tế về thực trạng kỹ thuật, trình độ quản lý và được đưa vào mức khoán tính trong giá tiêu thụ nước sạch với tỷ lệ tối đa không được vượt quá quy định sau: Đối với toàn bộ mạng cấp nước để tiêu thụ đã đưa vào sử dụng dưới 10 năm: 23%; + Đối với toàn bộ mạng cấp nước để tiêu thụ đã đưa vào sử dụng từ 10 năm trở lên: 32%; + Trường hợp mạng cấp nước để tiêu thụ được đưa vào sử dụng có thời gian xen lẫn (gồm cả mạng cấp nước dưới 10 năm và mạng cấp nước từ 10 năm trở lên): 27%;” Như vậy, căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT thì tỷ lệ nước hao hụt cụ thể cho công trình cấp nước do Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với điều kiện thực tế về thực trạng kỹ thuật, trình độ quản lý và được đưa vào mức khoán tính trong giá tiêu thụ nước sạch với tỷ lệ tối đa không được vượt quá quy định nêu trên. 2. Từ ngày 05/8/2021 Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTCBXDBNNPTNT đã hết hiệu lực thi hành và đã được thay thế bằng Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt. Ngày 01/7/2024, thực hiện theo quy định tại Luật Giá số 16/2023/QH15, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 45/2024/TT-BTC ngày 01/7/2024 ban hành phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trong đó có nước sạch. Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính để tổ chức, cá nhân có liên quan biết, nghiên cứu thực hiện theo quy định./.

Gửi phản hồi: