Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính. - Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 1 Thông tư 61/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022. - Căn cứ theo điểm b, điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư 61/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022. - Căn cứ theo điểm b, điểm i khoản 1 Điều 4 Thông tư 61/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 - Căn cứ theo các quy định nêu trên thì Kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án) đã bao gồm chi phí cho các nội dung công việc: Trích đo địa chính thửa đất đối với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; Đo đạc xác định diện tích thực tế các thửa đất nằm trong ranh giới khu đất thu hồi để thực hiện dự án (nếu có) của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm căn cứ thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp phải đo đạc lại. - Do đặc thù của dự án theo tuyến “đường dây và trạm biến áp” (cấp điện áp 110kV, công trình năng lượng, cấp II theo quy định của Bộ Xây dựng và sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật); Công trình thường trải dài, qua nhiều xã huyện nên việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định mất nhiều thời gian và công sức. Trong gói thầu “Đo vẽ địa chính phục vụ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng” được lập theo đơn giá do địa phương ban hành và gồm các thành phần công việc sau: - Xây dựng lưới địa chính (bằng công nghệ GNSS). - Đo đạc thành lập bản đồ địa chính; Trích đo bản đồ địa chính cho các thửa đất bị thu hồi để xây dựng móng trụ (đất trong khu vực thành thị, nông thôn, …). - Cắm mốc xác định ranh giới (mốc móng trụ thu hồi vĩnh viễn, mốc hành lang tuyến). - Các nội dung chi phí khác: Lập nhiệm vụ dự án, kiểm tra nghiệm thu thực hiện theo Thông tư số 136/2017/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2017. Câu hỏi: 1. Nội dung thực hiện các công việc Xây dựng lưới địa chính; Đo đạc thành lập bản đồ địa chính; Trích đo bản đồ địa chính cho các thửa đất bị thu hồi: có thuộc Kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án) hay không? Trường hợp các chi phí này thuộc “Kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án)” thì chủ đầu tư chỉ cần cắm mốc xác định ranh giới thu hồi đất vĩnh viễn và cắm mốc xác định diện tích ảnh hưởng hành lang tuyến để thực hiện các thủ tục đền bù theo quy định. 2. Công tác xây dựng lưới địa chính, đo đạc lập bản đồ địa chính, chỉnh lý bản đồ địa chính là trách nhiệm của chủ đầu tư hay do địa phương thực hiện được bố trí từ ngân sách địa phương theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Thông tư 61/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022. Trường hợp thuộc trách nhiệm của địa phương khi Công ty chúng tôi thực hiện các dự án qua các vùng chưa có bản đồ địa chính thì thực hiện như thế nào?
13/09/2024
Trả lời:

          1. Về nội dung thực hiện các công việc Xây dựng lưới địa chính; Đo đạc thành lập bản đồ địa chính; Trích đo bản đồ địa chính cho các thửa đất bị thu hồi: có thuộc Kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án) hay không?

1.1. Thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, cụ thể: “4. Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”; Bộ Tài chính đã ban hành:

- Thông tư số 74/2015/TT-BTC ngày 15/5/2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015).

- Thông tư số 61/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2022, thay thế Thông tư số 74/2015/TT-BTC); theo đó, nội dung chi trích đo địa chính thửa đất đối với thửa đất tại nơi chưa có bản đồ địa chính phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; đo đạc xác định diện tích thực tế các thửa đất nằm trong ranh giới khu đất thu hồi để thực hiện dự án (nếu có) của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm căn cứ thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp phải đo đạc lại thuộc nội dung chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại Thông tư số 61/2022/TT-BTC.

1.2. Kể từ ngày 01/8/2024, các nội dung liên quan đến chi phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện quy định tại Điều 27, Điều 28 Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (thay thế Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ). Nghị định số 88/2024/NĐ-CP không quy định giao Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Tại khoản 1, khoản 2 Điều 30, khoản 5 Điều 31 Nghị định số 88/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

“Điều 30. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.

2. Các nghị định sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành:

a) Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Điều 31. Quy định chuyển tiếp

1. Đối với trường hợp đã có quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tiếp tục thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Nghị định này.

5. Đối với trường hợp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự toán chi phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chi phí cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 về lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.

Căn cứ các quy định nêu trên, đối với nội dung vướng mắc của Ông Quan, đề nghị căn cứ quy định của chính sách hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tương ứng từng thời kỳ, quy định về xử lý chuyển tiếp tại từng giai đoạn chính sách và việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (liên quan đến việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) của từng dự án để áp dụng theo quy định của pháp luật.

          2. Công tác xây dựng lưới địa chính, đo đạc lập bản đồ địa chính, chỉnh lý bản đồ địa chính là trách nhiệm của chủ đầu tư hay do địa phương thực hiện được bố trí từ ngân sách địa phương theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Thông tư 61/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022. Trường hợp thuộc trách nhiệm của địa phương khi Công ty chúng tôi thực hiện các dự án qua các vùng chưa có bản đồ địa chính thì thực hiện như thế nào?

          - Tại điểm d khoản 2 Điều 1 Thông tư số 61/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 của Bộ Tài chính quy định:

          "Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

          2. Các khoản kinh phí sau đây được điều chỉnh tại các pháp luật khác có liên quan; không thuộc kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này:

          d) Kinh phí lập, chỉnh lý bản đồ địa chính ở địa phương được bố trí từ ngân sách địa phương theo quy định tại Thông tư số 136/2017/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường."

- Tại điểm a khoản 2 Điều 4 Thông tư số 136/2017/TT-BTC ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường quy định về Nhiệm vụ chi hoạt động kinh tế về tài nguyên môi trường của ngân sách địa phương bao gồm: "Lập, chỉnh lý bản đồ địa chính ở địa phương". Theo đó, Thông tư số 136/2017/TT-BTC quy định nhiệm vụ "Lập, chỉnh lý bản đồ địa chính ở địa phương" phù hợp để sử dụng ngân sách địa phương, không quy định tất cả nhiệm vụ "Lập, chỉnh lý bản đồ địa chính ở địa phương" do địa phương bố trí kinh phí.

Ngoài ra, tại Điều 1 Thông tư số 136/2017/TT-BTC quy định về phạm vi điều chỉnh:

"1. Thông tư này quy định việc lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường, bao gồm: Quản lý đất đai, đo đạc và bản đồ, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu, viễn thám, đa dạng sinh học và một số nhiệm vụ chi khác về tài nguyên môi trường.

2. Các nguồn kinh phí khác quy định về các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường (như nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường, kinh phí sự nghiệp khoa học, vốn đầu tư phát triển, nguồn vốn khác) không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Thông tư này."

Theo thông tin của độc giả, dự án tuyến "đường dây và trạm biến áp" sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, do đó không phù hợp để áp dụng Thông tư số 136/2017/TT-BTC. Do vậy, đề nghị Độc giả nghiên cứu pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư công, phạm vi dự án đã được phê duyệt để xác định trách nhiệm phải bố trí kinh phí cho hoạt động "Lập, chỉnh lý bản đồ địa chính".

          Bộ Tài chính trả lời để độc giả của Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính được biết./.

Gửi phản hồi: