Doanh nghiệp bất động sản có thể tìm điểm tựa từ nguồn vốn FDI

Doanh nghiệp bất động sản có thể tìm điểm tựa từ nguồn vốn FDI 16/11/2022 16:32:00 624

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Doanh nghiệp bất động sản có thể tìm điểm tựa từ nguồn vốn FDI

16/11/2022 16:32:00

(HQ Online) Trong bối cảnh việc huy động các nguồn vốn gặp khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý kéo dài, doanh nghiệp bất động sản cần có những giải pháp phù hợp nhằm vượt qua khó khăn, thích ứng với thị trường trong thời kỳ mới.

Thị trường bất động sản sôi động sau dịch nhưng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. (Ảnh minh họa)

Nhiều khó khăn bủa vây

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã dần phục hồi so với thời điểm năm 2021. Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2022 hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vẫn còn gặp nhiều trở ngại như việc tiếp cận nguồn vốn để triển khai dự án còn khó khăn; lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Đáng ngại hơn cả, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý của dự án đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tiền sử dụng đất…

Ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc nghiên cứu và phát triển- Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA (DKRA Group) cho biết, thị trường bất động sản đang rơi vào trạng thái “đóng băng” thanh khoản, rơi vào thời kỳ giảm tốc từ tháng 4/2022 và càng ngày càng ảm đạm hơn. Dữ liệu của DKRA Việt Nam cho thấy hiện nay thanh khoản của thị trường đang ở mức cực kỳ thấp, chỉ bằng 10 - 20% so với thời điểm tháng 4/2022. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh với các phân khúc biệt thự, nhà phố, đất nền... thì cả nguồn cung lẫn lượng tiêu thụ chỉ bằng từ 9 - 30% so với giai đoạn trước.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn kép cần phải tháo gỡ về pháp lý và vốn. Với bối cảnh khó khăn hiện nay, ông Khương cảnh báo nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ “chết trên đống tài sản” khi nhiều nhà phát triển dự án gặp khó về pháp lý, vốn nên chưa thể triển khai dự án hoặc các nhà đầu tư vay vốn, đầu tư sản phẩm theo tiến độ hiện cũng khó khăn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần sớm hỗ trợ doanh nghiệp với các dự án đã triển khai, ngân hàng đã thẩm định hồ sơ cần tiếp tục giải ngân. Đối với những dự án đã đầy đủ các thủ tục pháp lý, hiện cần nguồn vốn để phát triển cũng cần cấp vốn cho doanh nghiệp làm.

Đồng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư bất động sản Việt An Hòa cho biết, dòng tiền khan hiếm đang làm giao dịch bất động sản trên thị trường giảm tới 90%. Do lãi suất huy động quá cao nên tiền bị hút hết về ngân hàng, trong khi room tín dụng không còn nên người mua nhà phải mua bằng tiền mặt cũng khiến thị trường khó khăn. Mặt khác, tâm lý của thị trường, của người mua sợ ngân hàng tiếp tục không cho vay, room tín dụng không được nhả ra, lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng. Trong khi lãi vay của các ngân hàng đang rất cao, có ngân hàng lãi vay tới 16%, điều này làm mọi thứ đứng lại, đặc biệt trong thời điểm cuối năm.

Tìm điểm tựa từ nguồn vốn FDI

Dưới góc nhìn của chuyên gia nước ngoài, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc điều hành Savills Việt Nam, nhận định thị trường bất động sản đã đối mặt với khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm qua, vấn đề tài chính chỉ là một yếu tố khiến tình trạng này khó khăn thêm.

Để thị trường có thể phục hồi trở lại, cần phải có hỗ trợ về pháp lý trong phát triển dự án cho các doanh nghiệp. Riêng về vấn đề tài chính, trong khi các kênh huy động vốn đều không khả thi, các doanh nghiệp nên tìm đến kênh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như một giải pháp phù hợp. Có thể coi việc tìm kiếm nguồn vốn FDI là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh như hiện nay.

Theo ông Neil MacGregor, việc tìm kiếm nguồn vốn cho ngành bất động sản từ dòng vốn FDI là hoàn toàn khả thi cho các doanh nghiệp bởi sự quan tâm của các nhà đầu tư đến với thị trường Việt Nam rất lớn. Hiện bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư FDI tính tới ngày 20/9/2022 với hơn 3,5 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên để tận dụng được nguồn vốn đặc biệt này, các doanh nghiệp cần linh hoạt và chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vốn thay thế. Với những quỹ đất sạch, cách làm việc minh bạch và năng lực sẵn có của chủ đầu tư, không khó để doanh nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp. Hơn nữa, với những lợi thế về am hiểu thị trường và các thủ tục hành chính của doanh nghiệp trong nước, kết hợp với kinh nghiệm cũng như năng lực tài chính của các nhà đầu tư nước ngoài, rất nhiều dự án bất động sản quy mô lớn với chất lượng tốt đã được cung cấp cấp cho thị trường ở mọi phân khúc, ông Neil MacGregor nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, để vượt qua những khó khăn và phát triển, các doanh nghiệp bất động sản cần cơ cấu lại, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá; chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi. Phục hồi xanh, tăng trưởng xanh đến bất động sản xanh đang là xu thế. Đặc biệt, việc chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, việc ứng dụng công nghệ vào tất cả mọi hoạt động của doanh nghiệp, làm thay đổi toàn diện cách thức hoạt động, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và mang lại giá trị cho khách hàng, trong đó, bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản. Người mua sử dụng các website, app để tra cứu thông tin về bất động sản; đại lý, chủ đầu tư có thể quảng bá trực tuyến, thu xếp các cuộc hẹn gặp...

Trên thực tế, doanh nghiệp bất động sản rất cần lưu ý tới vấn đề chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới và thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro. Theo các chuyên gia đánh giá, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển và hỗ trợ mạnh mẽ của các công nghệ mới, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu và làm thay đổi toàn diện mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó không loại trừ bất động sản.

Thu Dịu

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%