(Tapchitaichinh.vn) Tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam quay trở lại đà tăng trưởng trong thời gian tới.
TTCK Việt Nam đang có xu hướng sụt giảm rất mạnh dù nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn ổn định.
Thời gian gần đây, TTCK Việt Nam đang có xu hướng sụt giảm rất mạnh. Đặc biệt, ngày 10/11, TTCK Việt Nam có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2022. Chỉ số VN-Index đóng cửa vẫn giảm mạnh 38,35 điểm (-3,89%) về còn 947,24 điểm. Mức thấp nhất của chỉ số chạm đến trong phiên là 935,78 điểm. Theo Bloomberg, VN-Index là chỉ số giảm mạnh nhất trong các các thị trường toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 10/11. Tính trong năm nay, VN-Index giảm hơn 37%.
Dù chịu ảnh hưởng từ xu hướng giảm chung của TTCK thế giới, nhưng điểm đáng chú ý là những diễn biến tiêu cực của thị trường diễn ra trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước tương đối tốt và ổn định so với thế giới và sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cũng tương đối khả quan.
Thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP đạt mức cao (khoảng 8%); Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng đầu năm chỉ tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước và cả năm 2022 dự báo khoảng 3,3 - 3,5%. Trong khi đó, theo dự báo của IMF, CPI thế giới sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2022, bình quân 8,8% năm 2022.
Đến nay, các nền tảng kinh tế vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát. Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, bất chấp những áp lực lớn từ những rủi ro trên thế giới và trong nước, Việt Nam vẫn giữ được các nền tảng kinh tế vĩ mô như lạm phát ở mức khá thấp, lãi suất và tỷ giá tăng trong tầm kiểm soát. Nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ dù trong xu hướng tăng lên trong trung hạn nhưng cơ bản vẫn trong ngưỡng an toàn.
Thực tế cũng cho thấy, hoạt động doanh nghiệp thời gian qua phục hồi mạnh nhờ các hoạt động kinh tế - xã hội được mở cửa trở lại. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lũy kế 10 tháng tăng 34,3% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình sản xuất - kinh doanh, khả năng sinh lời của doanh nghiệp niêm yết cũng tương đối khả quan. Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận trước thuế của 200 doanh nghiệp lớn nhất trên TTCK Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng 22% so với cùng kỳ.
Để làm được điều này, theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, các cơ quan chức năng cần bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ nhằm điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng ở mức phù hợp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, ngoại hối, vàng, xăng dầu…); đẩy mạnh truyền thông về giá cả, lạm phát, chính sách... nhằm giảm thiểu kỳ vọng lạm phát, tình trạng găm giữ và đầu cơ. Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở cửa du lịch quốc tế hợp lý… nhằm góp phần tăng cung và giảm sức ép ngoại tệ, tỷ giá...