Hỏi đáp CSTC

Hỏi:

Tôi đang sinh sống và kinh doanh tại Đắk Lắk. Gia đình tôi làm nghề buôn bán nông sản với hình thức kinh doanh nhỏ lẻ. Các giao dịch chủ yếu được thực hiện qua hình thức chuyển khoản ngân hàng, tổng số tiền giao dịch trong một tháng dao động khoảng từ 500 đến 600 triệu đồng.

Tuy nhiên, phần lớn các khoản chuyển khoản nói trên là tiền mua – bán qua lại, lợi nhuận thực tế thu được không cao do chi phí đầu vào, vận chuyển và biến động giá cả nông sản. Gia đình tôi không có cơ sở kinh doanh cố định, không thuê lao động thường xuyên và quy mô hoạt động mang tính hộ gia đình, hình thức mua cũng nhỏ lẻ từ những nhà dân.

Cho tôi hỏi, gia đình tôi có cần phải đăng ký hộ kinh doanh hay không? Trong trường hợp cần đăng ký, thì mức thuế và nghĩa vụ kê khai sẽ được tính như thế nào? Trường hợp không đăng ký hộ kinh doanh thì với lưu lượng giao dịch như trên, tôi có bị xem xét là kinh doanh không chính thức và bị truy thu thuế hay không?

18/07/2025
Trả lời:

Qua nghiên cứu, Thuế tỉnh Đắk Lắk có ý kiến như sau:

1. Về việc đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế

- Tại khoản 1, khoản 3 Điều 82 và khoản 2 Điều 83 Nghị định số 168/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 của Chính phủ quy định như sau:

“Điều 82. Quyền thành lập hộ kinh doanh

1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp hộ kinh doanh do các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập thì các thành viên ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên làm người đại diện hộ kinh doanh trong quá trình hoạt động kinh doanh. Văn bản ủy quyền của các thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm người đại diện hộ kinh doanh phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

3. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.”

Điều 83. Nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh

2. Người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh có nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định tại Nghị định này, không được hoạt động dưới danh nghĩa hộ kinh doanh mà không đăng ký.”

- Tại điểm a khoản 1 Điều 30 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định như sau:

Điều 30. Đối tượng đăng ký thuế và cấp mã số thuế

1. Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Đối tượng đăng ký thuế bao gồm:

a) Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan;”

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp gia đình bà Ngô Trúc Gia Hân có hoạt động kinh doanh buôn bán nông sản (không thuộc các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều 82 Nghị định 168/2025/NĐ/CP) thì phải đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế.

2. Về phương pháp tính thuế

- Tại khoản 2, 3, 4, 7, 8, 9 Điều 3 Thông tư số 40/2021/TT/BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính quy định:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

…2. “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn” là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ trở lên, cụ thể như sau: hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người trở lên hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người trở lên hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên.

3. “Phương pháp kê khai” là phương pháp khai thuế, tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu thực tế phát sinh theo kỳ tháng hoặc quý.

4. “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai” là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.

7. “Phương pháp khoán” là phương pháp tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu khoán do cơ quan thuế xác định để tính mức thuế khoán theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế.

8. “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán” là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh.

9. “Mức thuế khoán” là tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước phải nộp của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán do cơ quan thuế xác định theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế.”

- Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định:

Điều 51. Xác định mức thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế

1. Cơ quan thuế xác định số tiền thuế phải nộp theo phương pháp khoán thuế (sau đây gọi là mức thuế khoán) đối với trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

2. Cơ quan thuế căn cứ vào tài liệu kê khai của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn để xác định mức thuế khoán.”

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp gia đình bà Ngô Trúc Gia Hân kinh doanh với doanh thu trong 1 tháng dao động khoảng 500 đến 600 triệu đồng, tương đương với doanh thu 1 năm khoảng từ 6 tỷ đến 7,2 tỷ đồng chưa đáp ứng là hộ kinh doanh quy mô lớn quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 40/2021/TT-BTC, vì vậy gia đình bà có thể lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai hoặc phương pháp khoán theo quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính.

3. Về việc xử phạt vi phạm hành chính

- Tại điểm c khoản 1 Điều 62 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định:

Điều 62. Vi phạm về đăng ký hộ kinh doanh

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

c) Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.”

- Tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định:

Điều 17. Xử phạt hành vi trốn thuế

1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định này;”

Căn cứ các quy định trên, trường hợp gia đình bà Ngô Trúc Gia Hân không đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế thì bị xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 122/2021/NĐ-CP, bị xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký thuế và bị truy thu thuế theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

Đề nghị bà Ngô Trúc Gia Hân liên hệ với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã để được hướng dẫn làm thủ tục đăng ký kinh doanh, đồng thời liên hệ với Thuế cơ sở tại phường, xã đang sinh sống và kinh doanh để được hướng dẫn đăng ký kê khai và nộp thuế theo đúng quy định.

          Thuế tỉnh Đắk Lắk trả lời để bà Ngô Trúc Gia Hân được biết và thực hiện./.

Gửi phản hồi: