Nội dung thư độc giả hỏi về việc điều chỉnh
hạch toán sai chi phí sửa chữa tài sản cố định, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Qua trao đổi thêm với
độc giả, tại thời điểm năm 2022 đơn vị đang thực hiện kế toán theo quy định tại
Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 hướng dẫn chế độ kế toán hành chính,
sự nghiệp và thực hiện quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định theo quy
định tại Thông tư 45/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018 hướng dẫn chế độ quản lý, tính
hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố
định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà
nước tại doanh nghiệp (không phải Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 như
nêu tại thư hỏi của độc giả).
Tại Điều 10 Thông tư
45/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018 quy định về thay đổi nguyên giá tài sản cố
định, trong đó gồm trường hợp “Thực hiện nâng cấp, mở rộng, sửa chữa
tài sản cố định theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.”.
Theo đó, khi phát sinh
chi phí sửa chữa tài sản cố định không thuộc trường hợp nêu tại Điều 10 Thông
tư 45/2018/TT-BTC thì đơn vị không được hạch toán tăng nguyên giá của tài sản
cố định.
Đối với trường hợp trong
thư hỏi độc giả, việc đơn vị hạch toán chi phí sửa chữa tài sản cố định vào
nguyên giá trong năm 2022 không đúng quy định đã làm ảnh hưởng đến các đối
tượng kế toán từ năm 2022 như sau: Nguyên giá TSCĐ bị tăng lên; Khấu hao và hao
mòn lũy kế tài sản cố định bị tăng lên; đồng thời Các khoản nhận trước chưa ghi
thu cũng bị tăng lên.
Tại khoản 3 Điều 27
Luật Kế toán quy định: “Trường hợp phát hiện sổ kế toán có sai sót sau khi
báo cáo tài chính năm đã nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải sửa
chữa trên sổ kế toán của năm đã phát hiện sai sót và thuyết minh về việc sửa
chữa này.”.
Vì vậy, đơn vị phải
tính toán số liệu bị ảnh hưởng lũy kế từ năm 2022 để thực hiện điều chỉnh các
đối tượng kế toán bị ảnh hưởng, các trường hợp cụ thể như sau:
(1) Nếu báo cáo tài
chính năm 2024 chưa nộp cho cơ quan có thẩm quyền và đơn vị xác định sai sót
trên là không trọng yếu, đơn vị thực hiện điều chỉnh vào số phát sinh trên sổ
kế toán năm 2024và thuyết minh về việc điều chỉnh này trên báo cáo tài chính
2024. Bút toán điều chỉnh (giá trị tương ứng với phần chi phí sửa chữa đã ghi
nhận tăng nguyên giá TSCĐ):
Nợ TK 36611- Các khoản
nhận trước chưa ghi thu
Nợ TK 214- Khấu hao và
hao mòn lũy kế TSCĐ
Có TK 211- Tài sản cố định hữu hình
(2) Nếu báo cáo tài
chính năm 2024 chưa nộp cho cơ quan có thẩm quyền và đơn vị xác định sai sót
trên là trọng yếu, đơn vị thực hiện điều chỉnh hồi tố vào số dư đầu kỳ trên sổ
kế toán 2024 (giá trị điều chỉnh tương ứng với phần chi phí sửa chữa đã ghi
nhận tăng nguyên giá TSCĐ) và thuyết minh về việc điều chỉnh này trên báo cáo
tài chính 2024. Cụ thể:
- Điều chỉnh giảm số
dư Nợ đầu kỳ trên sổ kế toán TK 211- Tài sản cố định hữu hình. Theo đó, số liệu
ở cột “Số đầu năm” đối với chỉ tiêu “Nguyên giá” của Tài sản cố định hữu hình
(Mã số 32) trên Báo cáo tình hình tài chính năm 2024 bị giảm tương ứng.
- Điều chỉnh giảm số
dư Có đầu kỳ trên sổ kế toán TK 214- Khấu hao và hao mòn lũy kế TSCĐ. Theo đó, số
liệu ở cột “Số đầu năm” đối với chỉ tiêu “Khấu hao và hao mòn lũy kế” của Tài
sản cố định hữu hình (Mã số 33) trên Báo cáo tình hình tài chính năm 2024 bị
giảm tương ứng.
- Điều chỉnh giảm số
dư Có đầu kỳ trên sổ kế toán TK 366- Các khoản nhận trước chưa ghi thu (36611).
Theo đó, số liệu ở cột “Số đầu năm” đối với chỉ tiêu “Các khoản nhận trước chưa
ghi thu” (Mã số 67) trên Báo cáo tình hình tài chính năm 2024 bị giảm tương ứng.
Trên đây là câu trả lời của Bộ Tài chính, đề nghị độc giả nghiên cứu
thực hiện đúng quy định./.