1/ Về nội dung “trụ sở
làm việc của Trạm Y tế được xây dựng 30 năm nguyên giá 504 triệu hết thời gian
khấu hao/hao mòn, nay xuống cấp tháo dỡ xây dựng mới hạch toán giảm TS Nợ 366/
Có 211 còn bút toán nào không”
* Nội dung
câu hỏi của độc giả không có thông tin cụ thể về Trạm Y tế thuộc loại hình đơn
vị sự nghiệp công lập nào, mục đích sử dụng của trụ sở Trạm Y tế, thời gian đưa
trụ sở vào sử dụng; do đó, Bộ Tài chính cung cấp các chính
sách liên quan đến việc quản lý, tính hao mòn, khấu
hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện
theo quy định của pháp luật từng thời kỳ như sau:
- Thông tư số 162/2014/TT-BTC ngày 06/11/2014
của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý, tính
hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ
chức có sử dụng ngân sách nhà nước.
- Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018
của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính
hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố
định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà
nước tại doanh nghiệp.
- Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày
25/4/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý,
tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản
cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà
nước tại doanh nghiệp.
* Trường hợp trụ sở làm việc của Trạm Y tế được đưa vào
sử dụng từ thời điểm Thông tư số 23/2023/TT-BTC có hiệu
lực thi hành thì:
- Tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số 23/2023/TT-BTC quy định một trong các nguyên tắc quản
lý tài sản cố định như sau:
“Tài sản cố định đã tính đủ hao mòn hoặc
đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng được thì cơ quan, tổ chức, đơn
vị, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định
của pháp luật.
Trường hợp tài sản cố định đã tính đủ
hao mòn hoặc đã khấu hao hết giá trị nhưng sau đó thuộc trường hợp phải thay
đổi nguyên giá theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này thì phải
tính hao mòn, trích khấu hao tài sản theo quy định của pháp luật cho thời gian sử
dụng còn lại sau khi thay đổi nguyên giá (nếu có).”
- Tại khoản 3 Điều 10 Thông tư số 23/2023/TT-BTC quy định xác
định nguyên giá tài sản cố định trong trường hợp thay đổi nguyên giá tài sản cố
định, trong
đó có trường hợp tháo dỡ một hay một số bộ phận tài sản cố định quy định
tại điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tưsố 23/2023/TT-BTC.
Căn cứ quy định nêu trên, tài sản cố định đã tính đủ hao mòn hoặc đã
khấu hao hết giá trị nhưng vẫn còn sử dụng được thì cơ quan, đơn vị vẫn phải
tiếp tục quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định; trường hợp tài sản sau đó thuộc
trường hợp phải thay đổi nguyên giá theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tưsố 23/2023/TT-BTC thì phải tính
hao mòn, trích khấu hao tài sản theo quy định của pháp luật cho thời gian sử dụng
còn lại sau khi thay đổi nguyên giá (nếu có).
* Về việc hạch toán tài sản: Độc giả có nêu tài sản của Trạm Y tế được
xây dựng 30 năm nguyên giá 504 triệu đã hết thời gian khấu hao/hao mòn, theo đó
giá trị của tài sản đã dịch chuyển hết vào khấu hao/hao mòn (giá trị còn lại
của tài sản bằng 0). Đối với trường hợp đơn vị trong năm 2025 thực hiện xử lý
tài sản theo hình thức thanh lý (phá dỡ) thì đơn vị hạch toán giảm tài sản theo
hướng dẫn tại Thông tư số 24/2024/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự
nghiệp như sau:
Nợ TK 214 – Khấu hao và hao mòn lũy kế tài sản cố định của đơn vị
Có TK 211 – Tài
sản cố định của đơn vị
Trường hợp phát sinh các khoản thu nhập, chi phí có
liên quan đến hoạt động tháo dỡ tài sản, đề nghị đơn vị nghiên cứu hướng dẫn
hạch toán tại Thông tư số 24/2024/TT-BTC để hạch toán phù hợp với cơ chế tài chính
mà đơn vị áp dụng.
2/ Về nội dung “Một số
Trạm Y tế dự án xây dựng xong không được bàn giao giấy tờ, nên không biết diện
tích, nguyên giá tài sản vậy cách xác định như thế nào để theo dõi tài sản.”
Nội dung câu hỏi của độc giả không có thông tin cụ thể về thời gian xây
dự án Trạm Y tế, nguồn vốn sử dụng của dự án, đối tượng đầu tư xây dựng dự án.
Do đó, trường hợp cơ quan, đơn vị có đủ cơ sở xác định dự án xây dựng Trạm Y tế
là dự án sử dụng vốn nhà nước thì được thực hiện chế độ quản lý, sử dụng tài sản
của dự án sử dụng vốn nhà nước; Bộ Tài chính cung cấp
chính sách liên quan việc xử lý tài sản phục vụ hoạt động của dự án, tài sản là
kết quả của dự án sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật qua các thời
kỳ; cụ thể:
- Thông tư số 87/2010/TT-BTC ngày 15/6/2010 của Bộ Tài chính quy định
việc quản lý và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước khi dự án kết
thúc.
- Thông tư số 198/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013 của Bộ Tài chính quy định
việc quản lý, sử dụng, xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước.
- Pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (quy định tại Mục 1 Chương
VI Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14, được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 56/2024/NĐ-CP (từ Điều 100 đến Điều
105); Chương IX Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ (từ
Điều 89 đến Điều 94), được sửa đổi, bổ sung từ khoản 54 đến khoản 59 Điều 1
Nghị định số 114/2014/NĐ-CP ngày 15/9/2024 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung
tại khoản 36 Điều 1 Nghị định số 50/2025/NĐ-CP ngày 28/02/2025 của Chính
phủ; trong đó có quy định về việc bàn giao, tiếp nhận tài sản kèm danh mục tài
sản và các hồ sơ có liên quan; do đó, trường hợp không được bàn giao về giấy tờ
thì đơn vị tiếp nhận tài sản cần báo cáo cấp có thẩm quyền yêu cầu chủ đầu tư
bàn giao hồ sơ, tài liệu có liên quan để làm cơ sở quản lý, sử dụng tài sản
theo quy định.
Ngoài ra, tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 Thông tư số 23/2023/TT-BTC
có quy định về nguyên tắc quản lý tài sản cố định; theo đó, về nguyên tắc, cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ về hiện vật và giá trị mọi tài sản cố định theo đúng quy định của
pháp luật; lập thẻ tài sản cố định, kế toán đối với toàn bộ tài sản cố định;
thực hiện kiểm kê tài sản định kỳ hàng năm; thực hiện điều chỉnh số liệu kế
toán nếu có chênh lệch phát sinh khi thực hiện kiểm kê... Đồng thời, tại
Điều 6 Thông tư số 23/2023/TT-BTC quy
định về xác định nguyên giá tài sản cố định hữu hình. Do đó, đề nghị độc
giả căn cứ quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng, xử lý
tài sản đảm bảo theo đúng quy định.
Trên đây là nội dung trả lời về chính sách, đề nghị độc
giả căn cứ hồ sơ cụ thể và chính sách nêu trên để thực hiện theo quy định của
pháp luật./.