Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Kính gửi Bộ Tài chính, khoản trả trước cho người bán ngắn hạn có được trích lập dự phòng nợ khó thu hay không, chi phí này có được trừ khi tính thuế TNDN không? Trường hợp năm 2022 công ty chúng tôi chưa thực hiện trích lập và đã nộp BCTC, đến năm 2024 chúng tôi thực hiện sửa đổi bổ sung BCTC năm 2022 và đưa khoản dự phòng này vào BCTC 2022 có đựic không?
11/03/2025
Trả lời:

Trả lời câu hỏi mã 150225-1 của Quý độc giả về trích lập dự phòng nợ khó thu, Cục QLKT có ý kiến như sau:

1. Cho mục đích lập và trình bày Báo cáo tài chính:

- Tại Điểm a Khoản 1.4 Điều 112 Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập và trình bày Bảng cân đối kế toán năm quy định:

“...

- Các khoản phải thu ngắn hạn (Mã số 130)

Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị của các khoản phải thu ngắn hạn có kỳ hạn thu hồi còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo (sau khi trừ đi dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi), như: Phải thu của khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu nội bộ, phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng, phải thu về cho vay và phải thu ngắn hạn khác. Mã số 130 = Mã số 131 + Mã số 132 + Mã số 133 + Mã số 134 + Mã số 135 + Mã số 136 + Mã số 137 + Mã số 139.

…”

- Tại Khoản 1.4 Điều 45 Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Tài khoản 229 - Dự phòng tổn thất tài sản quy định:

“1.4. Nguyên tắc kế toán dự phòng nợ phải thu khó đòi

a) Khi lập Báo cáo tài chính, doanh nghiệp xác định các khoản nợ phải thu khó đòi và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn có bản chất tương tự có khả năng không đòi được để trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng phải thu khó đòi.

b) Doanh nghiệp trích lập dự phòng phải thu khó đòi khi:

- Nợ phải thu quá hạn thanh toán ghi trong hợp đồng kinh tế, các khế ước vay nợ, bản cam kết hợp đồng hoặc cam kết nợ, doanh nghiệp đã đòi nhiều lần nhưng vẫn chưa thu được. Việc xác định thời gian quá hạn của khoản nợ phải thu được xác định là khó đòi phải trích lập dự phòng được căn cứ vào thời gian trả nợ gốc theo hợp đồng mua, bán ban đầu, không tính đến việc gia hạn nợ giữa các bên;

- Nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng khách nợ đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể, mất tích, bỏ trốn;

c) Điều kiện, căn cứ trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi

- Phải có chứng từ gốc hoặc giấy xác nhận của khách nợ về số tiền còn nợ chưa trả bao gồm: Hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, bản thanh lý hợp đồng, cam kết nợ, đối chiếu công nợ...

- Mức trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi thực hiện theo quy định hiện hành.

- Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

…”

Căn cứ vào các quy định trên, khoản trả trước cho người bán là một trong những khoản nợ phải thu của doanh nghiệp. Khi có đủ căn cứ để xác định khoản trả trước cho người bán của Quý Công ty là khoản nợ phải thu khó đòi thì Quý Công ty thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định. Trường hợp Quý Công ty xác định là có sai sót kế toán do chưa thực hiện trích lập dự phòng khoản nợ phải thu khó đòi thì Quý Công ty thực hiện điều chỉnh sai sót này theo quy định tại Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 29 – Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót và Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 hướng dẫn kế toán thực hiện sáu chuẩn mực kế toán ban hành theo Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Việc xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN được xác định theo theo quy định của pháp luật thuế

Trên đây là ý kiến của Cục QLKT, kính đề nghị Quý độc giả nghiên cứu, thực hiện./.

Gửi phản hồi: