Hỏi đáp CSTC

Hỏi:
Theo điều 93, Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về hạch toán Thu nhập khác từ tiền phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường như sau:  "1a, - Thu tiền được phạt do khách hàng vi phạm hợp đồng; - Thu tiền bồi thường của bên thứ ba để bù đắp cho tài sản bị tổn thất (ví dụ thu tiền bảo hiểm được bồi thường, tiền đền bù di dời cơ sở kinh doanh và các khoản có tính chất tương tự);2b, b) Khi có khả năng chắc chắn thu được các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng"Đối với trường hợp của tôi đã có kết luận của tòa án về số tiền phạt, bồi thường Hợp đồng, cho phép bên bồi thường thanh toán theo tiến độ và kỳ thanh toán trải qua hai niên độ kế toán. Bên phải bồi thường có thể không thanh toán khoản bồi thường này do bị mất khả năng thanh toán..Vậy cho tôi hỏi như vậy khoản phạt, bồi thường này sẽ chỉ được ghi nhận khi đã thu được tiền phải không ạ? Tại vì khi thu được tiền thì mới chắc chắn và nếu hạch toán theo số tiền phạt, bồi thường theo kết luận tòa án thì có khả năng không thu hồi được.Tôi xin chân thành cám ơn!
09/10/2024
Trả lời:

Trả lời câu hỏi mã 190924-4 ngày 20/09/2024 của Quý độc giả về thời điểm hạch toán khoản thu từ tiền phạt vi phạm hợp đồng, Cục QLKT có ý kiến như sau:

Tại Đoạn 08b Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 01 – Chuẩn mực chung quy định:

“Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế, còn chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí.”

Căn cứ vào quy định trên, các khoản doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được. Theo đó đối với trường hợp như mô tả của Quý độc giả thì khi có phán quyết của tòa án, Quý độc giả ghi nhận khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 93 Thông tư 200/2014/TT-BTC mà không phân biệt là đã thu được tiền hay chưa. Khi có đủ căn cứ để xác định đây là khoản nợ phải thu khó đòi thì thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và hạch toán theo quy định tại Khoản 1.4 Điều 45 Thông tư 200/2014/TT-BTC.

Kính chuyển Quý Độc giả nghiên cứu./.

Gửi phản hồi: